04/03/2024

Một băn khoăn của nhiều người là khi ăn các món chế biến bằng bia rượu như tôm hấp bia, bò sốt rượu vang, cơm rượu,.. hay các loại nước trái cây lên men có thể tạo ra nồng độ cồn không và xử lý như thế nào.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, đây là câu hỏi mà người dân có thể gặp phải trong thực tế. Rượu và các loại bia có cồn thì đã rõ nhưng bên cạnh đó có nhiều sản phẩm khác chúng ta sử dụng như thức ăn lên men, chế biến bằng phương pháp sử dụng rượu bia để tăng hương vị, thuốc, siro có chứa cồn...

Với các loại thuốc, siro có chứa cồn, các nước phát triển quy định rất rõ nồng độ. Ví dụ với trẻ bú mẹ thì các loại siro không được chứa nồng độ cồn mức bao nhiêu, trẻ dưới 5 tuổi nồng độ cồn trong siro không được phép là bao nhiêu, đến 12 tuổi thì nồng độ cồn không được phép là bao nhiêu…

Vì vậy, với những sản phẩm này, nồng độ cồn trên nhãn mác phải rõ ràng % và có cảnh báo, nếu sử dụng như thế nào sẽ có ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Nếu sử dụng dưới ngưỡng cho phép thì không sao nhưng nếu quá nhiều chắc chắn sẽ có ảnh hưởng.

Các nước phát triển cũng đã có quy định rõ những sản phẩm nào khi đã thương mại hóa, bán cho người tiêu dùng thì phải được kiểm soát, công bố thông tin như về hàm lượng dinh dưỡng bên trong.

Như Úc đã quy định rõ các sản phẩm có chứa cồn bên trong, nếu quá 0,5% ethanol thì người cung cấp, sản xuất phải công bố rõ ràng, kể cả lên men cũng phải rõ ràng và có cảnh báo nếu sản phẩm sử dụng quá nhiều có thể dẫn tới ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Bên cạnh đó, các thuốc Đông y cũng phải có quy định ghi nhãn mác rõ ràng về việc này.

Còn đối với đồ ăn, rõ ràng nồng độ cồn thấp, ăn ít sẽ không có nguy cơ nhưng mải quá, ăn rất nhiều thì cơ thể sẽ phát sinh nồng độ cồn và dễ gặp phải rắc rối phát sinh, mất công giải trình. Chúng ta có thể nghỉ ngơi, ngồi nói chuyện, uống nước, súc miệng trước khi tham gia giao thông để đảm bảo rằng trong hơi thở sẽ không có nồng độ cồn. Do đó, chúng ta cần biết sản phẩm ăn uống vào người như thế nào và người sản xuất, cung ứng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin rõ ràng về nồng độ cồn trong sản phẩm là bao nhiêu, có cảnh báo rất rõ ràng.

Cơ quan quản lý tới đây cũng phải làm chặt chẽ với các sản phẩm có cồn bán cho người dân phải có nhãn mác đầy đủ, cung cấp rõ ràng nồng độ cồn bên trong. Nếu không có thì dứt khoát không được bán.

Còn với các sản phẩm trôi nổi, người dân tự nấu thì dần dần phải chuẩn chỉ, rõ ràng, an toàn hơn cho người dân. Không riêng nồng độ mà các thứ khác cũng cần phải rõ ràng.

Với người dân tự làm các sản phẩm nên men cũng phải biết nguy cơ, xác định nếu có nồng độ cao sẽ bị xử lý còn bình thường thì không cao và gần như rất dễ dàng chuyển hóa.

Xem thêm: Quy định và xử phạt nồng độ cồn thế nào cho phù hợp?

Xem thêm: Vi phạm nồng độ cồn, có nộp phạt 'trả góp' được không?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên