22/02/2024

Nhiễm trùng bàn chân ở người bệnh tiểu đường có thể dẫn đến hoại tử hay thậm chí là phải cắt cụt chi. TS.BS Phan Hữu Hên, khoa Nội tiết, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sẽ giải đáp cụ thể cách phòng tránh, điều trị biến chứng này.

Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết bệnh nhân đái tháo đường cần làm gì để phòng tránh biến chứng nhiễm trùng bàn chân? 

Bác sĩ: Với bệnh nhân bị đái tháo đường hoặc có người thân là bệnh nhân đái tháo đường, bên cạnh việc kiểm soát đường huyết tốt và lắng nghe tư vấn những vấn đề liên quan đến điều trị, cũng đặc biệt nên quan tâm đến vấn đề bảo vệ bàn chân để phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng chân. 

Hằng ngày, người bệnh nên xem xét bàn chân của mình, xem có sự bất thường như những mảng da đổi màu, nốt chai bất thường, cũng cần cắt gọn khi móng chân quá dài; nên hạn chế làm móng, làm khoé vì rất dễ nhiễm trùng. Người bệnh nên chuẩn bị một chiếc gương để quan sát kĩ hơn lòng bàn chân của mình và báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu thấy có dấu hiệu bất thường. 

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết những thói quen nào có thể dẫn đến nhiễm trùng bàn chân mà bệnh nhân đái tháo đường nên tránh?

Bác sĩ: Thứ nhất, không đi chân trần. Với những bệnh nhân tiểu đường lâu năm, bị biến chứng về thần kinh, cảm giác của bàn chân giảm đi rất nhiều, họ có thể không nhận ra khi bàn chân đạp phải vật lạ. Vì vậy người bệnh nên đi giày dép thường xuyên, kể cả trong nhà để phòng tránh có vật đâm vào bàn chân gây nhiễm trùng.

Thứ hai, cần lựa chọn giày dép phù hợp với bàn chân. Nên chọn giày dép vào buổi chiều vì theo đặc điểm sinh lý, buổi chiều bàn chân sẽ to hơn buổi sáng, sẽ lựa chọn đúng kích cỡ giày hơn, tạo sự thoải mái cho bàn chân.

Thứ ba, không dùng kim nặn, tiêm chích, ngâm bàn chân vào bất cứ dung dịch gì để tránh gây nhiễm trùng bàn chân. 

Hỏi: Thưa bác sĩ, nếu bệnh nhân bị thương ở bàn chân thì nên xử lý vết thương tại nhà như thế nào?

Bác sĩ: Khi có vết thương ở bàn chân, người bệnh tuyệt đối không bôi thuốc hay ngâm bàn chân vào bất cứ dung dịch gì mà nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất hoặc liên hệ với bác sĩ điều trị để có phác đồ điều trị sớm nhất. Không nên tự ý đắp thuốc hoặc các dung dịch không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm.

Ở khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi cũng từng gặp những trường hợp đau lòng như bệnh nhân tự ý đắp thuốc hay nghe theo những thầy thuốc không phải chuyên khoa đắp những lá cây, dung dịch không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm cho vết thương.

Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm, cần làm gì để phát hiện bệnh?

Xem thêm: Bác sĩ cảnh báo bệnh thận ở người trẻ, nên làm gì để sớm phát hiện?

Xem thêm: Bác sĩ giải đáp về chứng ngưng tim khi ngủ, những cảnh báo quan trọng mà bạn nên biết

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên