08/03/2024

Theo phản ánh của bạn đọc Tuổi Trẻ, nhiều trường hợp không hề dùng rượu bia nhưng vẫn thổi lên nồng độ cồn nhỏ và không biết giải thích thế nào với lực lượng chức năng. Liệu có cách nào để biết chính xác nồng độ cồn trong cơ thể đến từ đâu?

Theo đó, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai giải thích: Đầu tiên phải hiểu là có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong cơ thể. Các phương pháp xét nghiệm phổ biến hiện nay là xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở và xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, chỉ cần trong ngưỡng phát hiện của máy thì nếu có cồn thì máy sẽ nhận biết được là mẫu thử này đang có cồn. 

Trong trường hợp cơ thể không tiếp xúc, ăn uống các thực phẩm có cồn nhưng khi xét nghiệm hay thổi nồng độ cồn vẫn dương tính có thể gọi là những trường hợp cồn nội sinh do cơ thể tự có.

Trong đó kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở là phương pháp tương đối cơ bản, kết quả đo được, qua nghiên cứu cho thấy thực tế sẽ thấp hơn 15%. Như vậy, có thể hiểu máy "tha" hay 'lơ đi" cho chúng ta 15%. Tuy nhiên, trường hợp có cồn nội sinh để máy đo nồng độ cồn trong khí thở thông thường phát hiện là những người bị bệnh, những người khỏe mạnh không có hiện tượng này. Cồn nội sinh là những người trong hệ tiêu hóa chứa vi khuẩn đặc biệt, một số loại nấm men và có mặt ở niêm mạc của cơ thể.

Hoặc những người cấu trúc đường tiêu hóa có vấn đề, mắc các bệnh lý như bệnh lý về tiêu hóa, đường mật, loạn khuẩn ở đường tiêu hóa; các bệnh lý về xơ gan, đái tháo đường, người bệnh gặp các vấn đề chuyển hóa, và rất nhiều những bệnh khác nữa cũng có thể gây ra cồn nội sinh.

Đối với những thiết bị dùng để đo đạc, xét nghiệm: Cùng một phương pháp nhưng sẽ có nhà sản xuất các máy đo, thiết bị khác nhau và cũng một máy đó nhưng ở điều kiện các phòng xét nghiệm, labo, điều kiện xét nghiệm, bệnh viện, cơ sở kiểm định... sẽ khác nhau tùy theo hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng.

Như vậy mỗi máy, phương pháp sẽ có ngưỡng phát hiện khác nhau. Trong tờ kết quả xét nghiệm, bên cạnh kết quả đo được nồng độ cồn là bao nhiêu thì phải ghi rõ ngưỡng phát hiện và phương pháp xét nghiệm là gì? Có thể là sinh hóa miễn dịch, sắc ký khí... Và ngưỡng phát hiện có thể là 10mg hay 1mg... Tờ kết quả xét nghiệm phải ghi rất rõ ràng.

Từ kết quả đó mới xác định trong mẫu vật có nồng độ cồn hay không. Nếu trên ngưỡng sẽ có nồng độ cồn, còn dưới ngưỡng là không có nồng độ cồn.

Hiện nay, phương pháp sinh hóa chạy trên máy sinh hóa miễn dịch tự động ở các bệnh viện hiện nay ngưỡng phát hiện khoảng 10mg/dl, có nghĩa nếu dưới 10mg/dl sẽ kết luận không có nồng độ cồn, còn trên mức này là có.

Cũng với mẫu máu, ở các viện nghiên cứu chuyên sâu, viện pháp y, khoa học hình sự, kiểm nghiệm và tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng có máy sắc ký khí, phát hiện rất thấp là 1mg/dl, thậm chí thấp hơn nữa.

Với các phương pháp như vậy, người dân khi đo nồng độ cồn phải tiên lượng, dự tính trước. Nếu chúng ta khẳng định không uống rượu, tự tin hoàn toàn không uống rượu bia thì để yên tâm nên đồng thời lấy mẫu máu, nhờ các đơn vị kiểm nghiệm cuối cùng như viện pháp y, đơn vị giám định, kiểm nghiệm... kiểm tra để có máy có khả năng phát hiện ở mức thấp nhất có thể.

Hiện bệnh viện cũng có thể kiểm tra hiện tượng nồng độ cồn nội sinh để "bào chữa" cho một số trường hợp khẳng định không uống rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn.

Các bác sĩ sẽ đo đạc bằng cách test carbonhydrat, tức là sẽ cho uống một lượng gluco nhất định, sau đó định lượng lại nồng độ cồn trong máu theo khoảng thời gian nhất định. Nếu kết quả thấy nồng độ cồn xuất hiện và tăng lên thì đó rất có thể là hiện tượng cồn nội sinh. Ngược lại, nếu không xuất hiện nồng độ cồn qua bài test sẽ không phải là trường hợp có nồng độ cồn nội sinh.

Từ đó có thể cho rằng, việc kiểm tra, phát hiện cồn nội sinh (có tồn tại sẵn trong cơ thể) hay ngoại sinh (uống rượu bia, sử dụng các thực phẩm, thuốc,...) qua các xét nghiệm tại cơ sở y tế có thể biết, chẩn đoán được.

Xem thêm: Quy định và xử phạt nồng độ cồn thế nào cho phù hợp?


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên